Bài học đắt giá cho lao động Nhật Bản

Chỉ một rào cản nhỏ là giao tiếp với người bản địa mà lao động Việt Nam không qua được, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn. Đây là bài học không chỉ dành cho người lao động mà còn là bài học đắt giá cho doanh nghiệp đứng ra phái cử lao động sang Nhật Bản.
“Trong hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), có những vấn đề phát sinh không  thể ngờ. Đó cũng là những bài học kinh nghiệm của công ty qua một hợp đồng đưa lao động sang Nhật Bản”. Bà Lê Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại tạp phẩm Sài Gòn (Tocontap Saigon JSC), đã nói như vậy về chương trình đưa lao động sang Nhật làm kỹ thuật viên chăm sóc ngựa đua.
Bảo đảm ăn ở, thu nhập
Là một trong những doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, Tocontap Saigon được Công ty Matsukaze của Nhật chọn làm đối tác cung ứng kỹ thuật viên chăm sóc ngựa tại các trang trại. Ngoài các điều kiện cần thiết khi đi làm việc ở nước ngoài, Công ty Matsukaze đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải yêu nghề, có kỹ năng, kinh nghiệm. Các ứng viên đầu tiên đều là người sống trong gia đình làm nghề nuôi ngựa đua ở TPHCM và huyện Đức Hòa - Long An, quen với ngựa từ tấm bé và yêu nghề, mê ngựa, có hơn 5 năm kinh nghiệm với các kỹ năng căn bản. Các ứng viên này được đích thân ông Kei Morooka, Chủ tịch Công ty Matsukaze, sát hạch, lựa chọn.
Chan soc ngua. xuat khau lao dong sang nhat
Lao động chăm sóc ngựa tại Nhật Bản _Ảnh: QUỐC NGUYỄN

Năm lao động đầu tiên của Tocontap Saigon lên đường sang Nhật làm nghề chăm sóc ngựa vào ngày 20-6-2012. Họ làm việc trên đảo Honsu, điều kiện ăn ở và thu nhập được bảo đảm: tiền lương 180.000 yen/tháng, được đài thọ chi phí đi lại, miễn phí nguồn gạo; NLĐ chỉ phải trả tiền nhà, điện, nước, tiền ăn và đóng các khoản bảo hiểm (riêng bảo hiểm lương hưu được BHXH Nhật Bản chi trả sau khi về nước). Trừ các khoản trên, mỗi tháng NLĐ thực nhận 125.000 yen (khoảng 31 triệu đồng).
Không ngán việc nặng, chỉ ngán học
Thế nhưng, rắc rối lại phát sinh khi những NLĐ này không học được tiếng Nhật. Ông Nguyễn Đức Quốc, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Tocontap Saigon, cho biết: “Trước khi sang Nhật, họ được học tiếng Nhật giao tiếp căn bản và cam kết sang Nhật sẽ học thêm để giao tiếp tốt hơn. Nhưng đáng tiếc là trong 5 người, chỉ có trưởng nhóm Nguyễn Quang Chinh có trình độ học vấn khá nhất nên hiểu và nói được, những người còn lại đều gặp khó khăn trong giao tiếp với người Nhật, nhất là với người quản lý trực tiếp”. Khi được hỏi vì sao không cố gắng học tiếng, anh em thật thà trả lời: Họ ít học, chỉ quen chăm sóc ngựa. Bắt làm việc nặng họ không ngán, chỉ ngán học vì không thể nhét chữ vô đầu được!
Không giao tiếp được với người quản lý, không gọi được tên ngựa, lại thêm thể trạng yếu và không quen chịu lạnh nên họ không được cho làm kỹ thuật viên mà chỉ làm nhân viên dọn chuồng (theo quy định của Nhật, đây được coi là lao động nông nghiệp). Nản lòng, đã có 2 người xin chấm dứt hợp đồng và được chấp thuận.  Tocontap Saigon sẽ hỗ trợ tiền vé máy bay cho họ về nước.
“Một rào cản nhỏ thôi mà không qua được, quả là đáng buồn. Lần đầu tuyển người đi làm việc này, chúng tôi đinh ninh họ là con nhà nòi, mọi việc sẽ dễ dàng hơn so với người tay ngang. Nhưng thực tế không như mình nghĩ. Đến lúc này mới thấy cần biết bao học vấn và nỗ lực cá nhân” - ông Quốc nói.
 Chọn đầu vào kỹ lưỡng hơn
Hiện nay nhu cầu của Công ty Matsukaze về kỹ thuật viên vẫn còn nhiều. Mức lương 31 triệu đồng/tháng và các khoản đài thọ, điều kiện ăn ở như vậy là khá cao nên nhiều NLĐ đã đăng ký. Lần này, Tocontap Saigon chọn người có trình độ học vấn khá; có khả năng nghe, nói tiếng Nhật và có ý chí, chịu học. “Đó là một bài học đáng nhớ. Nó luôn nhắc nhở chúng tôi đừng nóng vội trong việc chọn đầu vào” - bà Lê Thị Thanh Hương đúc kết.
NGUYỄN THIÊN - báo Người lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét